(HNM) - Thời gian qua đã xảy không ít vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư, trong đó có tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh hoàn thiện quy định pháp luật, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm.
36% vụ tranh chấp ở chung cư liên quan đến quỹ bảo trì
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, kinh phí bảo trì do người mua nhà chung cư đóng, bằng 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ. Chủ đầu tư đứng ra thu kinh phí bảo trì khi làm hợp đồng mua bán và bàn giao lại sau khi chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng và cư dân bầu ra ban quản trị.
Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiều chủ đầu tư, ban quản trị đã sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư không đúng quy định, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại. Ở nhiều khu chung cư, người dân đã có phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư trong quá trình đòi quyền lợi...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chiếm khoảng 36%, đứng thứ hai trong tổng số vụ tranh chấp tại các chung cư. Nổi lên là tranh chấp xảy ra giữa cư dân - chủ đầu tư và giữa cư dân - ban quản trị do quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đúng quy định. Điển hình như tại chung cư Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân), từ khi được đưa vào sử dụng (tháng 9-2018), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC đã mở tài khoản kinh phí bảo trì không kỳ hạn trong khi quy định là gửi có kỳ hạn; chưa đóng phí bảo trì cho phần diện tích chưa bán, giữ lại hơn 4,6 tỷ đồng... Tại chung cư Bắc Hà - C14 (quận Nam Từ Liêm), Ban Quản trị nhiệm kỳ 2017-2020 đã gửi kinh phí bảo trì tại ba ngân hàng (quy định là mở một tài khoản ở một ngân hàng); không bàn giao hồ sơ, không quyết toán kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị nhiệm kỳ mới; vi phạm quy định sử dụng kinh phí bảo trì khi không chi cho hoạt động bảo trì hơn 1,3 tỷ đồng...
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho hay, nguyên nhân xảy ra tranh chấp thời gian qua một phần do pháp luật chưa quy định rõ ràng về cách tính diện tích chung - riêng; chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp... Ngoài ra, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương còn mờ nhạt...
Xử lý nghiêm vi phạm
Báo Hànộimới đã nhiều lần đề cập đến việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Các cấp, ngành thành phố Hà Nội cũng đã vào cuộc chỉ đạo, xử lý sai phạm, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28-6-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15-11-2019 triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU...
Trước các bất cập về quy định pháp luật, ngày 26-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Nghị định số 30/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định chủ đầu tư không được sử dụng kinh phí bảo trì khi chưa thành lập ban quản trị, cũng như việc xử lý tình trạng chiếm dụng, sử dụng quỹ bảo trì không đúng mục đích... Ông Lê Khắc Thiệp, chuyên viên Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đối với các chung cư mới đưa vào sử dụng, cơ bản chủ đầu tư chấp hành đúng quy định tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP. Phần nhiều các tranh chấp quỹ bảo trì tại chung cư là tồn tại từ giai đoạn trước... "Sở Xây dựng Hà Nội sẽ thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố để đưa ra hướng khắc phục việc tranh chấp quỹ bảo trì”, ông Lê Khắc Thiệp thông tin.
Còn theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, đầu năm 2021, Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với các chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra, buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển cho ban quản trị hơn 344,96 tỷ đồng kinh phí bảo trì; xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư với tổng số tiền 1,03 tỷ đồng... 18 kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại của cư dân các tòa chung cư.
Về vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15-9-2021, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý việc sử dụng kinh phí bảo trì; chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư...
Với những chủ trương, quy định đã có, tin tưởng rằng, việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư sẽ sớm khắc phục những tồn tại, giảm tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư.
Nguồn: Báo Hà Nội mới
Hội sở: Tầng 11 tháp C văn phòng, Hồ Gươm Plaza, 102 Trần Phú, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội
VPĐD Quảng Ninh: Số 20 Bến Tàu, Bạch Đằng, TP Hạ Long
VPĐD HCM: Tầng 15, Centec Tower, Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0906.27.25.26 * Email: vanhanhtoanha.pro@gmail.com
Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS http://zland.vn